Trần Ðức Thảo, Người Lữ Hành Cô Ðơn

Hạ Mai

Trần Đức Thảo[1] quê ở làng Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - một vùng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Kinh Bắc. Cái nôi văn hóa, mảnh đất quê hương “một nắng hai sương” ấy đã sinh thành, nuôi dưỡng, ươm trồng một nhân cách khoa học – triết gia Trần Đức Thảo, triết gia Việt Nam duy nhất được phương Tây thừa nhận có tầm vóc quốc tế và được đánh giá là một trong những triết gia hàng đầu thế kỷ. 


1- Quyết định trở về đất Mẹ
Đỗ xuất sắc ở bậc tú tài, Trần Đức Thảo vào học Trường Luật tại Hà Nội, sau đó sang học tại một trường lớn của nước Pháp - Trường Cao đẳng Sư phạm phố d’Ulm. Được Giáo sư Jean Cavaillés, một người có tư tưởng chống phát xít hướng dẫn khoa học, Trần Đức Thảo hăng say hoạt động xã hội. Cách mạng tháng Tám (1945) thành công như một thứ men say rót vào bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, Trần Đức Thảo viết truyền đơn, tổ chức các cuộc họp báo để ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Hồ Chí Minh.
 Năm 1951, từ bỏ kinh thành Paris hoa lệ, để lại đằng sau vinh quang và tương lai huy hoàng, Trần Đức Thảo trở về Việt Nam, dấn thân vào cuộc kháng chiến dù biết rằng nó rất khó khăn, gian khổ và không ít thử thách. Lý giải nguồn cơn cuộc tìm đường và nhận đường, Trần Đức Thảo  viết: “Phần hai củaHiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951) đã dẫn tôi tới một ngõ cụt và lúc đó tôi hy vọng tìm ra giải pháp trong cách mạng Việt Nam”[2]. Sự đối kháng mạnh mẽ giữa dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa tư bản đế quốc đã hướng Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa Marx – Lenin[3], đến với “chủ nghĩa duy vật biện chứng của K.Marx để sáng tạo lý luận giải phóng dân tộc, giải phóng con người[4]”. Hăm hở lên đường với tâm thế “bảo vệ một cách kiên quyết sự đúng đắn toàn vẹn, vô song của chủ nghĩa Marx”[5], bằng niềm tin thánh thiện được soi rọi bởi ánh sáng khoa học, Trần Đức Thảo đã đánh cược đời mình để tìm sự trải nghiệm thực sự, học từ những đau thương của đất nước, hi vọng đem “hiểu biết đúng” của mình khắc phục những khuynh hướng lệch lạc chớm nở từ sau khi tư tưởng Stalin thống trị học thuyết Mác-xít, chệch với tinh thần của K.Marx, F.Engels và V.I.Lenin.
Quyết định trở về đất mẹ để đắm mình vào thực tế, thực hiện giấc mơ sáng tạo “một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi”[6] của Trần Đức Thảo tới tận giờ vẫn gây ra những tranh luận đa chiều: Kẻ cổ vũ, khen ngợi, người chê bai, dè bỉu… Từ góc độ một nhà triết học, có lẽ điều đó diễn ra đơn giản, tự nhiên, ít tính toán hơn những gì mà người ta nhìn thấy và mổ xẻ. Với Trần Đức Thảo, nghiên cứu về học thuyết Marx, về chủ nghĩa xã hội – một mô hình xã hội chưa từng có ở đâu trên thế giới mà chỉ ngồi giữa bộn bề sách vở, trong khung trời nhung lụa thì chẳng bao giờ có thể tiệm cận tới chân lý. Ông muốn có những thấu cảm lịch sử, khoa học và thực tiễn - như vậy, nhất định phải trở về nơi chiến tranh và cách mạng đang diễn ra cuồng nhiệt không chỉ hằng ngày, hàng giờ, mà từng giây, từng phút. Nơi đó, Trần Đức Thảo hy vọng tìm thấy một con đường cho triết học và thực tại, đưa triết học vào cuộc sống sôi động, nóng bỏng đến độ trần trụi, đem thực tiễn soi tỏ lý luận, gắn suy nghĩ với hành động – đó chính là con đường dẫn ông đến với chân lý và sự thật. Có thể đó chỉ là một giấc mơ có phần ngây thơ, nhiều ảo vọng, thiếu tính hiện thực, song đã là khát vọng, đã là mơ ước thì con người và cao hơn nữa là con người –triết gia có quyền cởi bỏ, chặt đứt những níu kéo hiện thực để bay lên. Biết đâu, trong chuyến du hành cô đơn, có phần mộng mị ấy, triết gia Trần Đức Thảo sẽ có cơ hội chinh phục và vươn tới những đỉnh cao tư tưởng. 
2- “Hiện tại sống động” và những trải nghiệm không dễ dàng
Thế nhưng, thực tại vốn không đơn giản. Nó díc dắc, luôn có vô số khúc quanh và những ngả rẽ bất ngờ khiến một tư duy triết học nổi tiếng thông tuệ, có thể sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, nhưng lại không thể lường định hết những khúc khuỷu, những “hố đen” dưới chân mình.
Thực hành “công cuộc nghiên cứu thực tại ngay ở hiện trường”[7], Trần Đức Thảo lập tức va đập với hiện tại đắng nghét khi dối trá, độc ác, xấu xa, sùng bái, nịnh bợ… tràn lan trong cuộc sống, “diễn biến thành một hình thức văn minh văn hóa mang nhãn hiệu hiện đại”[8], mà nhiều năm sau, như ông khẳng định, chưa chắc đã gột rửa được cái nếp sống gian trá ấy. Trần Đức Thảo nhận ra rằng tất cả những buổi học tập chính sách, chuẩn bị tư tưởng một cách máy móc đã đẩy cán bộ và nhân dân lao vào con đường tùy tiện, đưa nhau tới một đời sống cảnh giác bệnh hoạn, đầy thủ đoạn, đầy hận thù và gian xảo, không ai dám thành thật để lộ suy nghĩ của mình. Con người được nhào nặn và tự nguyện dán lên mặt mình những chiếc mặt nạ vô hồn như một phương thức tự vệ. Sự thật phũ phàng đang thử thách một Trần Đức Thảo có tư duy nhân bản. Trần Đức Thảo giằng xé trước những câu hỏi trân trối: “Có thể nào cản ngăn được thứ bạo lực thô bạo này, khi nó đang trong đà phát động với tất cả hăng say, cuồng nộ, cuồng tín?”; “Để cái ác cứ tiếp tục phát triển như nó vẫn được khai triển trong suốt chiều dài lịch sử?”; “Triết học còn ý nghĩa gì khi chấp nhận khoanh tay đứng nhìn cái ác hoành hành?”[9]. Trong dòng xoáy của toan tính, của sợ hãi, của chính nghĩa và thấp hèn, cuối cùng con người nhân bản đã chiến thắng, để trong không khí sinh hoạt chính trị bị chi phối nặng nề bởi ý thức “đấu tranh giai cấp”, Trần Đức Thảo đã thể hiện quan điểm, bảo vệ quyền được nói lên chính kiến, quyền được suy nghĩ độc lập.
Với niềm tin mãnh liệt cách mạng và tự do sáng tác là hai phạm trù hoàn toàn không xa lạ, hiểu sâu sâu sắc rằng, “người trí thức hoạt động văn hoá cần tự do như khí trời để thở”[10], trước không khí bức bối áp đặt chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong lao động nghệ thuật, buộc văn hóa phải phục tùng/phục vụ chính trị, cùng với một số văn nghệ sĩ khác, Trần Đức Thảo đã mạnh dạn dùng ngòi bút viết lên sự thật. Hai bài viết đầy tâm huyết của ông đăng trên báo Nhân Văn và Tạp chí Giai Phẩm Mùa Đông đều xoay quanh chủ đề dân chủ - tự do.
Là nhà triết học, với tư duy logic nhạy bén, thẳng thắn nhìn vào bản chất vấn đề, Trần Đức Thảo không chỉ là một trong số ít trí thức dám nói lên tiếng nói của lương tri, mà còn “gọi tên chỉ mặt”, nêu đích xác những “căn bệnh” trầm kha của xã hội lúc bấy giờ như “quan liêu, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân”; “tư tưởng xa quần chúng, xa nhân dân”; “thói vô trách nhiệm và khinh con người”; “chủ nghĩa nông dân lưu manh hoá… Trần Đức Thảo chỉ trích cách thức những phần tử quan liêu bè phái biến ý kiến chủ quan thành “lập trường” bất di bất dịch, lấy thành kiến làm đường lối của lịch sử, biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Ông chua chát nhận xét: “Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn, lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi”[11]. Không dừng lại ở đó, Trần Đức Thảo tiến một bước xa hơn, phê phán cách thức lãnh đạo tiếng là “theo đường lối quần chúng”, nhưng luôn “tự đặt mình trên nhân dân”, xưng vương, xưng bá trên đầu nhân dân, đi ngược nguyên tắc lãnh đạo là phục vụ, là không có quyền ban ơn, cưỡng bách, mệnh lệnh đối với quần chúng nhân dân.
Từ góc độ sáng tạo và cải biến xã hội, Trần Đức Thảo nới rộng những yếu tố “liên đới” vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của hoạt động cải tạo thiên nhiên, xã hội, những yếu tố không nằm ngoài các giá trị phổ quát Chân-Thiện-Mỹ của loài người- đó là tự do, dân chủ - gốc của gốc mọi vấn đề. Từng sống, học tập trong môi trường dân chủ, thụ hưởng các giá trị tự do, dân chủ, hơn ai hết, Trần Đức Thảo hiểu những giá trị ấy không bỗng nhiên mà có, “tự do không phải là cái gì có thể ban ơn”[12], nó là kết quả của đấu tranh, của chính sự vận động sản xuất xã hội. Trần Đức Thảo phê phán những sai lầm của tư tưởng siêu hình duy tâm vận dụng vào hoạt động chính trị - xã hội để hạn chế, thậm chí xóa bỏ những giá trị dân chủ, tự do mà nhân dân lao động đã dày công đấu tranh, vun đắp. Ông chỉ trích những người lo sợ rằng, mở rộng tự do, dân chủ giai cấp tư sản sẽ “ngóc dần lên”[13].
Bàn về tự do trong xã hội tư sản và tự do trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Trần Đức Thảo sớm nhận ra mối liên hệ tất yếu và sự chuyển hóa giữa chúng: “Một số quyền tự do dân chủ của xã hội tư sản, mà ngày xưa quần chúng nhân dân đã giành được do đấu tranh chống phong kiến và tư sản, thì ngày nay vẫn là cần thiết dưới một hình thái mới trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”[14]. Từ góc nhìn tỉnh táo ấy, Trần Đức Thảo khẳng định một số quyền tự do dân chủ của xã hội tư sản “là cần thiết cho sự phát triển số lượng và chất lượng của chủ nghĩa xã hội, đối lập với chủ nghĩa quan liêu tiêu cực và cuối cùng là cần thiết cho tiến trình chuyển hóa lên chủ nghĩa cộng sản”[15]. Kêu gọi mở rộng dân chủ, thực hiện phê bình, Trần Đức Thảo đồng thời cổ vũ “phát triển tự do cá nhân”, thứ tự do như ông quan niệm: “Dưới chế độ cũ, căn bản nó là mơ mộng duy tâm, làm khí cụ tinh thần cho giai cấp tư sản đi bóc lột nhân công. Nhưng trong xã hội ta nó đã biến chất và trở thành giá trị chân chính. Cá nhân phục tùng tập thể, nhưng tập thể cũng phải có cá nhân xây dựng và hình thức tự do trong phạm vi pháp lý nhân dân là điều kiện để mỗi cá nhân góp phần thực sự xây dựng tập thể”[16]. Phân tích và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa tự do và tất yếu, Trần Đức Thảo kết luận: Muốn sáng tạo tinh thần, muốn sống đúng với bản chất con người thì phải có tự do, dân chủ, “phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân”[17]. Nói lên chân lý tưởng chừng như hết sức đơn giản ấy, Trần Đức Thảo đã phải hứng chịu đòn roi phê phán, quy chụp, dập vùi, bị coi là “kẻ có mưu đồ xấu xa về chính trị”, là “những rác rưởi của chủ nghĩa xét lại”, dụng tâm “làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ”[18].
Có thể nói ngay rằng, tại thời điểm khi đang hết sức thịnh hành những quan niệm đặt nặng, đặt cao cái tập thể, cái chung, xem nhẹ cái tôi, cái cá nhân, xem nhẹ tự do cá nhân, thì Trần Đức Thảo đã trọng vọng yêu cầu hài hòa trong xây dựng và vận hành các mối quan hệ xã hội, coi đó là bệ đỡ tạo nên sức bật cho xã hội với tư cách một thực thể hoàn chỉnh không ngừng vận động, phát triển trên nền tảng hợp lý của nó bao gồm các giá trị chung nhân loại. Nhãn quan triết học minh tuệ, sâu sắc đã hình thành ở Trần Đức Thảo năng lực nhìn nhận thấu đáo nhiều vấn đề về con người, về vai trò của con người trong xây dựng xã hội mới mà phải rất lâu sau những nhà triết học, nhà chính trị học khối cộng sản cùng thời ông hoặc đương đại mới có thể nhìn ra.
Không do dự khi mổ xẻ những ung nhọt xã hội, đụng tới căn nguyên của nó, Trần Đức Thảo đã tưởng có thể bứt tung mọi nút thắt vô hình và hữu hình, thế nhưng còn hơn cả phũ phàng, ông đã phải trả giá bằng những tháng ngày tận cùng của sự cô đơn và ghẻ lạnh. Vẫn thế. Trong hành trình nhọc nhằn của nhân loại từ thủa nguyên khôi, khởi thủy cho mãi đến ngày hôm nay, tự do chưa bao giờ là rẻ. 
3- Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản
Trần Đức Thảo để lại cho hậu thế nhiều tranh luận và bàn cãi về quan điểm triết học, về những trăn trở thế - thời, về xây dựng xã hội…Trong Encyclopedia of Phenomenology, Daniel J. Herman viết về ông đầy trân trọng, song không thể không buông một dấu lửng: “Chân thành hy vọng rằng, Trần Đức Thảo, nhà Marxist và nhà hiện tượng học nổi tiếng, cuối cùng, sẽ tìm thấy chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử với đầy đủ ý nghĩa của từ này”[19].
Dù là ai, qua những phiêu lưu vào lối ngả tư duy, trước tiên, Trần Đức Thảo là con người sáng tạo, không ngừng sáng tạo với năng lực sáng tạo đáng kinh ngạc. Dưới ngòi bút và từ bộ óc vĩ nhân của ông, những vấn đề triết học cứ hiện lên rờ rỡ, hàn lâm, lóng lánh, kiêu sang, toát lên chất nhân bản, quấn bện giữa triết lý và đời sống – nó giống như chính hành trình gian nan ông đã đi qua trong những phân thân để tìm chính mình và những gì thuộc về bản ngã con người.
Vấn đề con người vốn là một trong những chủ đề trung tâm của triết học từ sơ kỳ đến hiện đại. Con người và chủ nghĩa nhân bản luôn là một căn cứ triết học, dựa trên đó người ta quy chiếu, tìm hiểu và đánh giá mọi trường phái cũng như hệ tư tưởng. Vấn đề con người bỏng rẫy trong tâm thức những nhà triết học lớn như Aristote, Hegel, Marx, Husserl, Maurice Merleau-Ponty, Lucien Goldmann, Enzo Paci, Ludwig Landgrebe… Nó cũng nóng bỏng không kém trong các ưu suy, ngẫm ngợi và luận giải triết học của Trần Đức Thảo.
Là tín đồ cổ vũ cho một học thuyết thật sự lấy con người làm gốc, các nghiên cứu về con người của Trần Đức Thảo không dừng lại đơn thuần ở những khía cạnh vật chất khách quan, mà “truy tìm trong cái thế giới đã được thực hiện tất cả ý nghĩa của cuộc đời”[20] để đi đến “những phân tích hiện tượng học về lao động tinh thần cụ thể”[21] như  một tồn tại hiện thực, từ đó nhận chân những gì thuộc về hoạt động mang tính vật chất và tinh thần trong những sản phẩm lao động do con người tạo ra.
Nếu như K.Marx chìm vào phân tích sự tha hoá của con người trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Husserl trầm luân đến đánh mất lý tính trong lý luận khoa học, thì Trần Đức Thảo mê mải với hành trình phá vỡ sự ràng buộc và từ bỏ tháp ngà ý thức để đến với cái đích thực – cái hiện hữu trong thực tiễn sôi động, chạm vào/luận giải bản chất con người. Trong lời dạo đầu cho cuốn Hồi ký (triết học) của Trần Đức Thảo, TS. Cù Huy Chử bình luận rằng, luận đề con người cứ âm vang mãi trong suy tư của Trần Đức Thảo, để từ đó ông thấu hiểu “bản chất con người luôn luôn là toàn diện các quan hệ xã hội. Phải hiểu các quan hệ ấy được hình thành từ thời khởi nguyên, cứ tái lập mãi trong lịch sử giống loài, trong lịch sử mỗi con người mỗi đời người”[22]. Coi đó là nền tảng để con người không ngừng vươn tới Chân-Thiện-Mỹ, Trần Đức Thảo lắng đọng, chiêm nghiệm và xuyên qua cách phân tầng xã hội con người - giai cấp, chỉ ra tính người ở nội tâm mỗi con người – tính người tái tạo thông qua giáo dục trong xã hội[23].
 Nghiên cứu khả năng sáng tạo của con người ở xã hội khởi thủy, sơ khai được tiếp nối qua các thời kỳ lịch sử đến ngày nay, Trần Đức Thảo mong muốn nhìn thấu cội nguồn sự sáng tạo- cái quyết định con người có tính tộc loại, loài người khác với loài động vật. Quan niệm con người khác con vật ở khả năng sáng tạo và mức độ sáng tạo, Trần Đức Thảo phân tích: Xã hội ở thời kỳ sau tiến bộ hơn xã hội ở thời kỳ trước chính là do đời sống tinh thần con người phát triển. Không phát huy những giá trị tinh thần của con người không thể xây dựng xã hội mang tính người, từ vật chất đến tinh thần. Và dù có phát triển đến tầm mức nào đi chăng nữa, thì mọi thời đại đều phải lấy những giá trị “kinh điển”, phổ quát làm cột trụ - những giá trị ấy vốn được xây dựng từ xã hội khởi nguyên, là gốc cho mọi hoạt động sáng tạo và vươn lên của con người. 
Trên quan điểm “thế giới hiện thực chỉ có thể là cái thế giới phơi mở trước mắt tôi, với tất cả ý nghĩa có thể có đối với tôi”[24], Trần Đức Thảo nhận thức đời người luôn hàm chứa những ý nghĩa khiến con người hoàn toàn phân biệt/khác con vật; từ đó, “ý nghĩa của cuộc sống được đặt ra như là một tuyệt đối, xuất phát từ một hành động tự do phi lý và vô lý, làm cho con người thực tế hoàn toàn độc lập, tích cực đối với tình hình”[25]. Nghĩa là không có bất kỳ một sản phẩm nào là của ý chí cá nhân, tất cả đều sinh ra từ tương tác, ảnh hưởng giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên, suy cho cùng là từ thực tiễn hoạt động của con người. Cũng chính vì thế, con người không chịu bó tay trước số phận. Con người hoàn toàn có thể cải biến số phận, vượt qua số phận và điểm bắt đầu của quá trình cải biến ấy tương đối đơn giản: Từ sự không thỏa mãn, không bằng lòng với hiện thực. Như vậy, con người mà Trần Đức Thảo cổ xúy là con người hành động, là con người dám bước qua tính quy định của điều kiện sống, bứt lên, đương đầu và cải tạo xã hội. Cũng có thể vì điều này, giới nghiên cứu thường gọi ông là “nhà triết học” nhập thế.
Nhìn nhận, tiếp cận con người từ góc độ giai cấp - dân tộc, Trần Đức Thảo nhận thấy “con người nguyên thủy” trong “quá trình thành người”, một mặt, trở thành con người -giai cấp; một mặt, trở thành con người- dân tộc. Nghĩa là Trần Đức Thảo gắn mặt giai cấp và mặt dân tộc của con người trong mối liên hệ mật thiết không phân tách – điều khiến nhiều người liên tưởng đến chủ nghĩa quốc gia – dân tộc. Nhiều phần vì lẽ đó mà Trần Đức Thảo khó tránh khỏi bùn lầy nghi kỵ, khi người ta muốn “khêu” lên từ lý luận của ông những đọt mầm dân tộc - tiểu tư sản, hoặc muốn đẩy nó lệch sang chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, quy kết cho nó thứ “nọc độc” mà nó hoàn toàn xa lạ.
Sớm phát hiện ra “tình trạng bóp méo phép biện chứng theo lối siêu hình”, “sự méo mó siêu hình học áp đặt vào chủ nghĩa Marx trong thời sùng bái cá nhân”, Trần Đức Thảo phê phán sự méo mó ấy khi vô hình trung nó “tạo thế mạnh cho một quan điểm tha hóa về con người phủ định tính phổ quát gắn liền với tính đặc thù của con người, một quan điểm gạt bỏ những giá trị phổ cập của con người mà chính những giá trị này là nguồn gốc sâu xa của những giá trị tiến bộ và những giá trị giai cấp cách mạng của mỗi thời đại[26]. Như thế, lại một lần nữa ông vượt trước những người cùng thời, nhìn thấu những mù mờ và ảo ảnh lý luận để khẳng định mạnh mẽ những giá trị người – giá trị chung nhân loại, những giá trị làm nên cái tôi – bản ngã trong cái chung tiến bộ toàn xã hội.
Suốt cuộc đời hoạt động sáng tạo không mệt mỏi, cần mẫn nhả tơ, gom mật, Trần Đức Thảo luôn tâm huyết và nỗ lực làm sáng tỏ những vấn đề xung quanh nhận thức về dân tộc và con người - dân tộc. Ông đề cao mọi tầng lớp người đặt trong quan hệ dân tộc, không phân biệt dưới trên, bóc lột hay bị bóc lột. Nặng lòng với quê hương, với thân phận con người, đau đáu về tương lai dân tộc, người lữ hành cô đơn trên những con chữ nhân sinh dùng ngòi bút và ánh sáng tinh thần lành mạnh, sâu sắc nhen góp cho sự tiến bộ, phát triển của đất nước.
Sống qua một thời “của thật gọt đẽo mãi cũng thành của giả”, lặng lẽ, cô đơn vượt qua những thử thách nghiệt ngã, Trần Đức Thảo đã đi trọn hành trình của mình. Âm thầm bước qua nước mắt, nến hoa, cao hơn đền đài và lăng tẩm, ông miệt mài cháy trong miền tư tưởng, mài dũa tư duy, vắt kiệt mình cho những khát vọng một đời đeo đuổi. Vào lúc hoàng hôn cuộc đời, trong chặng đường cuối cùng trước khi trở về với cát bụi, Trần Đức Thảo vẫn luôn ấp ủ khát vọng xây “lâu đài tư tưởng” - “một lâu đài của tinh thần và lý tưởng dân chủ, của một nền công bằng xã hội chân chính, nền móng của lâu đài ấy là công lý nghiêm minh, thắp sáng bởi đạo lý. Lâu đài ấy sẽ không chấp chứa những gì thuộc về xảo trá, hận thù, thủ đoạn ma quỷ”[27]. Lâu đài ước vọng của Trần Đức Thảo - một cuốn sách ông chưa kịp viết, đã được ông vĩnh viễn mang xuống tuyền đài, để lại muôn vàn tiếc nuối cho hậu thế.
Giã từ trái đất này, Trần Đức Thảo gửi lại một sự nghiệp triết học đồ sộ,  dang dở. “Hữu xạ tự nhiên hương” - cùng với thời gian, ông đã có chỗ đứng xứng đáng trong tâm thức người Việt cũng như trong giới triết học. Độc hành, không có những khúc tụng ca, ông vẫn luôn hiện hữu ở đâu đó, trung thành với tuyên ngôn tư tưởng biểu trưng cho chân giá trị cao nhất: “Lý tưởng tự do cá nhân là lý tưởng của những ngày tiến tới”[28].


[1] Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 tại Thái Bình và mất ngày 24-4-1993 tại Paris, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp.
[2] Dẫn theo Nguyễn Mạnh Hà: Trần Đức Thảo – triết gia dám nói lên sự thật, Tiền phong chủ nhật, 8-4-2014.
[3] Trần Đức Thảo, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr.139.
[4] Cù Huy Chử & Cù Huy Song Hà: Giáo sư Trần Đức Thảo – nhà trí thức yêu nước, nhà triết học lỗi lạc, người sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, TP. Hồ Chí Minh 14-09-2011.  
[5] Phùng Quán: Hành trình cuối cùng của một triết gia (in trong cuốn Nhớ Phùng Quán, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004).
[6] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăng trối, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2014.
[7] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăng trối, Tlđd.
[8] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăng trối, Tlđd.
[9] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăng trối, Tlđd.
[10] Trần Đức Thảo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, Báo Nhân văn, số 3, 15-10-1956.
[11] Trần Đức Thảo: Nội dung xã hội và hình thức tự do, Tạp chí Giai phẩm Mùa Đông, tháng 12-1956.
[12] Trần Đức Thảo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, Tlđd.
[13] Trần Đức Thảo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, Tlđd.
[14] Trần Đức Thảo: Hồi ký,  http://www.viet-studies.info/TDThao/HoiKy_TDThao.htm
[15] Sđd.
[16] Trần Đức Thảo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, Tlđd.
[17] Trần Đức Thảo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, Tlđd.
[18] GS Nguyễn Lân: Đấu tranh vạch mặt bọn phá hoại “Nhân văn – Giai phẩm”, Báo Nhân dân, 18-5-1958, tr. 3.
[19] Encyclopedia of Phenomenology. Dordrecht: Kluwer Academic Publishers, 1997,  p. 707.
[20] Trần Đức Thảo: Chủ nghĩa Mác và hiện tượng học (bản dịch của Phạm Trọng Luật),  http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_PTLuat_dich.htm.
[21] Ibib.
[22] Hồi ký (triết học) của Trần Đức Thảo, Tlđd.
[23] Trần Đức Thảo phân định bản chất người thành bốn tầng: 1-Tầng nổi là bản tính hàng một từ những quan hệ xã hội đương đại; 2- Tầng chìm bên dưới là bản tính hàng hai của các thời trung cổ đại; 3- Tầng ba của thuở nguyên sơ; 4- Tận cùng dưới đáy là tàn dư của bản tính thú vật (Trần Đức Thảo. Le Problème de l’Homme ,1992, p.24).  Quan hệ xã hội quy định con người trong từng phương thức sản xuất, kết tầng và truyền lại thông qua giáo dục.
[24] Trần Ðức Thảo: Existentialisme et Matérialisme Dialectique,http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_existentialisme_materialism.htm
[25] Ibid.
[26] Ibid.
[27] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăng trối, Tlđd.
[28] Trần Đức Thảo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, Tlđd.